Trang chủ Tin chuyên ngành 7 điều giúp bạn lọt top 8% hiếm hoi người luôn đạt được mục tiêu

7 điều giúp bạn lọt top 8% hiếm hoi người luôn đạt được mục tiêu

Bạn đặt ra nhiều mục tiêu cho bản thân: giảm cân, tập thể dục mỗi sáng, đi xuyên Việt… nhưng lại chẳng thực hiện được mục tiêu nào. Vì thế, bạn thấy thật ngưỡng mộ những người có thể hoàn thành mục tiêu của họ. Vậy có bao giờ bạn tự vấn xem lý do nào ngăn trở bạn đạt được mục tiêu? Câu trả lời cho bạn nằm ở đây!

 

Theo nghiên cứu của trường Đại học Scranton (Mỹ), 92% trong số chúng ta không bao giờ đạt được mục tiêu mình đã đặt ra trong khi 8% còn lại luôn đạt được mục tiêu của họ. Sở dĩ như vậy là bởi 8% này, họ làm những điều khác biệt mà số đông chúng ta hiếm ai làm.

1. Luôn suy nghĩ cặn kẽ về mục tiêu và con đường thực hiện mục tiêu

Khi đặt ra mục tiêu, bạn phải biết được chính xác điều mà bạn hướng tới cũng như hiểu rõ con đường dẫn bạn đến mục tiêu cuối cùng. Một mục tiêu mà không đi kèm với lộ trình rõ ràng chỉ là giấc mơ phù phiếm.

Vì thế, hãy nhớ suy nghĩ và viết ra những việc cần làm đối với mỗi mục tiêu của bạn. Những việc bạn liệt kê chính là các mục tiêu phụ và sẽ giúp bạn thuận lợi hơn trên con đường chạm tay tới mục tiêu cuối cùng của mình.

2. Thiết lập một hệ thống hỗ trợ xung quanh họ

Những nghệ sĩ biểu diễn hay nhà sản xuất, họ không thực hiện mục tiêu một mình. Họ hiểu rằng họ có thể đạt được nhiều hơn và làm mọi việc nhanh hơn nếu có sự giúp đỡ của những người khác như cố vấn hay huấn luyện viên.

Một ví dụ đơn giản là nếu bạn muốn chơi tennis tốt hơn, chắc hẳn bạn sẽ cần thuê một người hướng dẫn giúp bạn cải thiện cú giao bóng của mình. Việc thiết lập và hoàn thành các mục tiêu lớn hơn cũng tương tự như thế.

Do đó, hãy tìm kiếm đồng minh và xây dựng mạng lưới các chuyên gia chú tâm đến thành công của bạn và nhắc bạn phải có trách nhiệm với mục tiêu mình đặt ra. Hãy gặp gỡ họ thường xuyên, lĩnh ngộ sự khôn ngoan của họ và cẩn thận lắng nghe lời khuyên họ đưa ra.

3. Đặt ra những mục tiêu cụ thể và có tính thách thức

Nghiên cứu của giáo sư Edwin Locke và Gary Latham, hai nhà nghiên cứu nổi tiếng về việc đặt mục tiêu, chỉ ra rằng 90% trường hợp sẽ đạt được hiệu suất công việc cao hơn khi đặt ra những mục tiêu cụ thể và đầy thử thách.

Ví dụ bạn đặt ra mục tiêu từ bây giờ đến cuối năm sẽ giảm 13 kg. Mục tiêu này có vẻ khó khăn, nhưng nó quá mơ hồ. Thay vào đó, bạn nên đặt một mục cụ thể hơn: trong tháng 7, tôi sẽ giảm 2.5 kg bằng cách giảm lượng đường, bánh mì và nước soda và đi bộ 20 phút mỗi ngày.

Khi mục tiêu của bạn rõ ràng, bạn sẽ thấy cơ hội cán đích, đạt mục tiêu của bạn tăng lên rõ rệt. Đồng thời, mục tiêu có tính thách thức sẽ trở thành động lực giúp chúng ta chinh phục khó khăn. Mục tiêu dễ dàng có thể khiến chúng ta cảm thấy nhàm chán và thiếu động lực và vì thế sẽ không đạt được mục tiêu.

4. Nhận thức được khi nào bản thân đang bị trì hoãn

Tất cả chúng ta đều có những lúc trì hoãn mọi việc dù dưới hình thức này hay hình thức khác. Điều quan trọng là bạn phải tìm ra được nguyên nhân của sự trì hoãn này: thấy công việc quá khó khăn, phiền muộn về chuyện gì đó…

Dưới đây chính là ba chiến lược giúp bạn thoát khỏi sự trì hoãn của bản thân:

– Lập ra một danh sách ưu tiên rõ ràng về những việc cần làm kèm theo thời gian hoàn thành từng nhiệm vụ. Thời hạn bạn đặt ra cho các mục tiêu sẽ giúp bạn ngăn chặn sự trì hoãn.

– Quay trở lại xem xét thời hạn hoàn thành để biết bạn cần bao nhiêu thời gian và cần bắt đầu khi nào để không bị trễ.

– Chỉ tập trung làm một việc một lúc và hãy làm giống với những người có khả năng tổ chức tốt, chia nhỏ công việc thành những bước nhỏ để bạn có thể dễ dàng quản lý.

5. Áp dụng quy tắc 52 – 17

Trong công việc hàng ngày, bạn hãy thử áp dụng quy tắc 52 – 17 (cứ 52 phút làm việc bạn lại dành ra 17 phút để nghỉ ngơi).

Một nghiên cứu cho thấy rằng những nhân viên hiệu suất làm việc cao nhất đều tuân theo quy tắc này: sau 52 phút tập trung vào công việc, dành 17 phút thư giãn và sau đó lại trở về với công việc.

Trên thực tế, sau nhiều giờ làm việc liên tục, não bộ cũng như cơ thể bạn dễ rơi vào tình trạng mệt mỏi. Nếu cứ tiếp tục làm việc không ngừng nghỉ, bạn không những khiến cho hiệu suất công việc giảm xuống mà còn làm tổn hại đến sức khỏe của bản thân.

Vì vậy, hãy học cách làm việc thông minh: đan xen giờ làm việc và giờ nghỉ theo quy tắc 52 – 17. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng trong 52 phút làm việc, bạn phải hoàn toàn chú tâm vào việc mình làm còn trong 17 phút sau đó, hãy thực sự nghỉ ngơi.

6. Nghe nhạc để tập trung

Âm nhạc là một cách tuyệt vời để duy trì sự tập trung và hiệu suất công việc. Tuy nhiên trước đó, bạn cần phải thử nghiệm và tìm ra loại nhạc phù hợp có khả năng giúp bạn tập trung.

Một gợi ý cho bạn là dịch vụ Focus At Will – dịch vụ sử dụng âm nhạc theo định hướng khoa học để cải thiện sự tập trung của bạn. Nhạc nền là tiếng ồn cũng đã được chứng minh tốt cho việc rèn luyện sự tập trung của bạn.

Ngoài ra, bạn cũng có thể thử Coffitivity, một công cụ mô phỏng âm thanh môi trường xung quanh của một quán cà phê giúp bạn tăng khả năng sáng tạo và hoàn thành công việc tốt hơn.

7. Không kiêm nhiệm nhiều việc cùng một lúc

Có một lời đồn đại rằng để thành công, bạn phải làm việc với tốc độ nhanh tới chóng mặt và làm càng nhiều việc một lúc càng tốt. Trên thực tế, những người thành công nhất, họ luôn kiên nhẫn và tránh làm nhiều việc cùng lúc.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra kiêm nhiệm nhiều việc một lúc là điều không tưởng và có thể gây hại cho bộ não của chúng ta. Khi làm nhiều việc một lúc, bạn sẽ phải phân chia sự tập trung của mình. Vì thế, bạn dễ bị mất tập trung, giảm hiệu suất và mất nhiều thời gian hơn để đạt được mục tiêu của mình.

8% những người luôn đạt được mục tiêu đặt ra, họ đủ thông minh để hiểu được muốn hoàn thành một mục tiêu lớn thì cần thực hiện nhiều mục tiêu nhỏ. Tuy nhiên, họ không thực hiện tất cả cùng một lúc mà làm từng cái một.

Theo Nhịp sống kinh tế

Gửi liên hệ
0914004800