Cái sai của nhiều doanh nghiệp Việt là không chú trọng thiết lập và duy trì kỷ luật ngay từ đầu khi thành lập công ty và khi tuyển người mới vào. Đến khi người lao động hình thành thói quen, tác phong xấu rồi mới lo sửa thì rất khó và vất vả.
Nguồn gốc cốt lõi của vấn đề vẫn là giáo dục và văn hoá Việt Nam đã không hướng tới định hình
tác phong công nghiệp thậm chí là làm ngược lại. Vì vậy, doanh nghiệp rất khó, thậm chí không thể sửa được vấn đề này nếu không làm quyết liệt.
VẬY GIẢI PHÁP LÀ GÌ ?
Dưới đây là một số gợi ý được đúc kết từ những gì các công ty của Hàn Quốc, Nhật và cả Việt Nam đang áp dụng để xây dựng tác phong công nghiệp đối với nhân viên/công nhân Việt Nam.
1. Doanh nghiệp mới/nhà máy mới
Hãy thiết lập và duy trì kỷ luật ngay từ đầu khi thành lập công ty và khi tuyển người mới vào. Thực hiện sàng lọc thường xuyên, loại bỏ những người không tuân thủ kỷ luật. Đào tạo và truyền thông về việc tuân thủ kỷ luật, sử dụng các sự vụ vi phạm và được xử ký nghiêm khắc làm nguyên liệu truyền thông. Một điểm quan trọng là doanh nghiệp cần hình thành các nhóm tự quản và cơ chế thưởng nhóm để duy trì sự tuân thủ chung.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh là phương châm phản ánh rõ nhất cho trường hợp này.
2. Đối với doanh nghiệp đã hoạt động
Đối với loại doanh nghiệp này, nhiều người nghĩ ngay đến đào tạo. Điều này không sai, nhưng đào tạo là một phần nhỏ và hiệu quả chưa cao.Lý do là doanh nghiệp đã để công nhân vô kỷ luật ngay từ đầu và lâu dần thì đã thành thói quen.
Giải pháp quan trọng là doanh nghiệp phải triển khai chương trình siết lại kỷ luật, đồng thời truyền thông để mọi người hiểu phải làm gì, hậu quả nếu không tuân thủ.
Trong quá trình siết kỷ luật, doanh nghiệp phải xác định rõ có thể phải ” thay máu” 10- 15% công nhân vì sẽ có nhiều người không chịu nổi môi trường kỷ luật chặt chẽ sẽ tự nguyện ra đi hoặc bị sa thải vì vi phạm thường xuyên. Đừng tiếc những người này vì họ không phù hợp với chính sách mới nữa.
Một số người vi phạm ít hơn cần đến chính sách phạt, cắt thưởng. Đồng thời doanh nghiệp cần có chính sách động viên khen thưởng cho những cá nhân và nhóm chấp hành kỷ luật và có thái độ tốt. Song song, hãy bắt tay xây dựng tác phong công nghiệp, văn hoá kỷ luật công nghiệp, làm việc nhóm (cơ chế thưởng cả nhóm nếu tuân thủ tốt, phạt cả nhóm nếu nhóm có một người vi phạm).
Ví dụ 1: khắc phục tình trạng đi muộn trong các cuộc họp: Quy định ai đến muộn sẽ bị phạt tiền: số tiền phạt = số phút đến muộn x số người phải chờ x 1.000 đ hoặc =100.000 đ x số block 5′ đi muộn. Số tiền này sẽ đưa vào quỹ từ thiện hoặc quỹ vui chơi/giải trí của công ty (không chính thức) chứ không phải qũy công ty. Lãnh đạo phải làm gương nộp phạt mà không cần nói lý do. Cách phạt này không làm người bị phạt thấy khó chịu vì số tiền không dùng vào việc của công ty.
Ví dụ 2: không dùng điện thoại khi họp. Trước khi bắt đầu cuộc họp, tất cả các thành viên để điện thoại vào một chỗ. Ai phải chờ các cuộc điện thoại quan trọng trong buổi họp thì phải đăng ký trước để được nghe nhưng không được cầm điện thoại.
(Hai ví dụ này chính là các quy định bất thành văn – một dạng của văn hoá doanh nghiệp đã được áp dụng thành công ở nhiều công ty tôi tư vấn)
Doanh nghiệp cũng phải thiết lập hệ thống đảm bảo duy trì kỷ luật lao động.
Hãy chọn làm vào mùa thấp điểm sẽ tốt hơn, đỡ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. Hãy công bằng trong đánh giá và kỷ luật, không có thiên vị ai dù là người nhà.
Với môi trường đã vô phép thì đừng mong sự tự giác. Chỉ có kỷ luật thép mới tạo dựng được tác phong công nghiệp trong nhà máy.
Nguồn: Ngô Quý Nhâm – GĐ Chiến lược Công ty Tư vấn Quản lý OCD