Khích lệ nhân viên ngoài tài chính
Nhiều doanh nghiệp thường dùng tài chính để khích lệ nhân viên mỗi khi có thành tích. Phần lớn tiền sẽ tạo động lực lớn cho mọi người, nhưng không phải là thứ duy nhất bạn nên dùng để thúc đẩy nhân viên của mình.
"Nếu không cực kỳ cẩn trọng với cách sử dụng tiền làm phần thưởng, bạn sẽ khiến nhân viên hiểu rằng họ đang đi làm chỉ vì tiền." (Edward Deci)
Dưới đây là một số ví dụ tham khảo khích lệ nhân viên ngoài tài chính dành cho bạn:
Xây dựng không gian làm việc thân thiện
Tất cả nhân viên đều mong muốn được làm việc dưới môi trường tốt và dễ chịu.Không gian công sở nên là nơi để nhân viên sáng tạo, cống hiến, hoàn thành được những khát vọng của họ.
Văn phòng cần được thiết kế "mở", không gian không bị tường và cửa chia cách. Kết cấu thoáng, cánh cửa văn phòng sếp mở rộng truyền đi thông điệp với nhân viên " Tôi ở đây! Tôi sẵn sàng làm việc với bạn"
Lắng nghe
Có hàng tá lý do khiến nhân viên của bạn trở nên căng thẳng, không hài lòng với công ty. Nếu không được giải toả sớm, việc các nhân tài được đào tạo ra đi là điều không tránh khỏi. Có một nghịch lý là càng ở vị trí cao, bạn càng khó nghe được ý kiến phản hồi từ nhân viên. Trong khi việc quan trọng nhất cấp lãnh đạo vẫn là quản lý tài nguyên năng lực con người.
Hãy dành chút thời gian để trực tiếp nói lắng nghe mọi nguyện vọng của cấp dưới. Đây còn là cách dễ dàng nhất thể hiện sự quan tâm và phá bỏ rào cản không đáng có.
Biết cách thể hiện cảm xúc với nhân viên
Áp lực công việc khiến bạn mệt mỏi là điều không thể tách rời với môi trường công sở. Thực tế cho biết cảm xúc của bạn tác động trực tiếp đến thành tích và hiệu quả làm việc của nhân viên. Sẽ tuyệt vời nếu như bạn biết quản lý cảm xúc nơi công sở theo hướng tích cực.
Tạm dẹp bỏ " bộ mặt nghiêm nghị" bằng nụ cười rạng rõ sẽ phá tan bầu không khí căng thẳng. Đặc biệt, biết nói từ "cám ơn" là những gì nhân viên cần từ bạn. Chắc chắn khiến họ hạnh phúc và phấn chấn vì công sức của mình đã được ghi nhận.
Hình ảnh tỉ phú Richard Branson xuất hiện thân thiện bên cậu nhân viên đang tranh thủ ngủ.
Bức ảnh được chụp trong chuyến thăm của ông Branson dành cho các nhân viên làm việc cho hãng bay Virgin Australia.
Minh bạch- công bằng với nhân viên
Đa số nhân viên có thể chấp nhận vị sếp khó tính, đòi hỏi cao nhưng không phải ai cũng chịu được sự bất công thiên vị trong công ty. Một người sếp giỏi, được nhân viên yêu mến không chỉ do năng lực và còn ở cách cư xử của họ với nhân viên. Công bằng và ngay thẳng nên là đức tính hàng đầu nếu muốn nhân viên gắn bó lâu dài với bạn.
Các nhân viên thường cảm thấy chán nản nếu mọi nỗ lực làm việc của họ không được cấp trên chú ý và đánh giá đúng mức, thậm chí nhiều khi chỉ nhận được những phản hồi tiêu cực.
Việc thông báo, quyết định phải rõ ràng, công tâm sẽ hạn chế tiếng xì xầm, hay nhân viên tỏ thái độ bạn đang "thiên vị" cho ai đó.
Tạo mục tiêu chung, cùng nhân viên hướng tới
Nhân viên sẽ vô cùng thích thú và vui vẻ nếu biết việc mình làm đóng góp, hướng đến một sứ mệnh lớn lao. Việc truyền những thông tin cụ thể, mạnh mẽ như "tốt nhất", " lớn nhất", "giỏi nhất" thường tạo động cơ làm việc nhanh và hiệu quả cho mỗi nhân viên.
Qua mục tiêu chung hướng đến, kích thích sự sáng tạo của nhân viên qua các ý tưởng, đề xuất, đóng góp. Điều quan trọng, hãy luôn để nhân viên biết ý tưởng đóng góp của mình luôn được lắng nghe và đánh giá cao.
Chiêu đãi nhân viên
Việc thỉnh thoảng được sếp chiêu đãi đi ăn, mua quà tặng, nhìn có vẻ đơn giản nhưng dễ dàng mang lại hiệu quả cao. Đây là cách thức dễ nhất để nhân viên cảm nhận được sự quan tâm của bạn dành cho họ. Vài ý tưởng như là thỉnh thoảng mời nhân viên ăn trưa, mời về nhà dự tiệc cuối tuần cũng là cách thức khích lệ nhân viên mở rộng giao lưu ngoài công việc, gắn bó với nhau hơn.
Theo Salem Ohgna