Trang chủ Tin chuyên ngành Khi đem câu ” Tiền nhiều để làm gì?” đi hỏi người trẻ

Khi đem câu ” Tiền nhiều để làm gì?” đi hỏi người trẻ

Vừa qua, trong một báo cáo về phúc lợi và thưởng Tết năm 2019 tại Việt Nam của VietnamWorks, có đến hơn 80% người đi làm có những phản ứng, đòi hỏi cụ thể từ phía nhà tuyển dụng khi các chính sách phúc lợi và thưởng Tết không như mong đợi, thậm chí có nhiều người quyết định nhảy việc. Vậy đối với người trẻ, tiền quan trọng như vậy sao? Người trẻ kiếm nhiều tiền để làm gì?

 

Có người thích một tuổi trẻ nhàn rỗi, có người lại hết sức mình làm cho bằng được những điều mình muốn, nhưng có một điểm chung khá chắc chắn là ai chả muốn có được nhiều tiền.

Cái quý giá của tuổi trẻ là bạn còn trẻ, còn làm được nhiều thứ mà những năm tháng sau này khó mà làm được. Có người nói tuổi trẻ là để tạo ra giá trị, làm ra tiền cũng là một kiểu giá trị đó thôi! Không nhiều người ở cái tuổi hai mươi lăm, ba mươi vẫn muốn mình là người dùng tiền, mà chưa biết làm ra tiền. Còn người đã làm ra tiền thì muốn nhiều tiền hơn. Vậy người trẻ dùng tiền vào việc gì?

Người trẻ dùng tiền để nâng cấp bản thân trong công việc và đầu tư cho cuộc sống khi họ bớt trẻ đi!

Một điều tích cực có thể thấy ở nhiều bạn trẻ ngày nay là họ không ngừng học hỏi và tìm kiếm những cơ hội gia tăng giá trị bản thân mình trong công việc và nắm bắt cơ hội thăng tiến. Họ hiểu những điều học được trong những năm ngồi trên ghế nhà trường là chưa đủ để họ tiến xa hơn trong sự nghiệp.

Theo kết quả của một nghiên cứu được tiến hành bởi Degreed, một tổ chức chuyên hoạt động trong lĩnh vực E-learning tại California, Mỹ từ năm 2012, 77% người đi làm vẫn tiếp tục đầu tư vào việc học tập và phát triển bản thân trong quá trình đi làm. Có người nói dùng tiền thì dễ lắm, nhưng dùng tiền tạo ra tiền mới khó. Vậy nên, dùng tiền để nâng cấp bản thân cho công việc là cuộc đầu tư sinh lời nhất!

Bên cạnh đó, người trẻ cũng phải kiếm tiền cho những cuộc đầu tư lớn khi bớt trẻ đi như xây nhà, mua xe, cưới vợ, sinh con… Mà những vụ đầu tư này thì cần nhiều tiền lắm.

“Ai cũng muốn có một cuộc sống không tất bật với tiền bạc cho đến khi cho đến khi thằng con bệnh, xe chết máy trên đường, cho đến ngày một nùi hóa đơn nhà, mạng, điện nước nhét vô kẹt cửa. Nhiều tiền hơn thì thuốc tốt hơn, mau hết bệnh hơn, xe sang hơn, dịch vụ tốt hơn.”

Đó sẽ là câu chuyện của vài năm nữa hoặc vài mươi năm nữa, nhưng lo xa được là tốt!

Người trẻ dùng tiền tô vẽ giá trị cho cuộc sống!

“Tôi nghĩ mình thật may mắn với công việc hiện tại, thật may mắn vì luôn có thể mua được đôi giày, chiếc đồng hồ và chai nước hoa mình thích. Tôi cảm thấy bản thân may mắn vì với công việc hiện tại, tôi có thể vác ba lô lên và đi mà không phải vướng bận nhiều.”

Đây có lẽ là một câu trả lời nhiều người trẻ tâm đắc khi được hỏi về mức lương, về xài tiền như thế nào.

Hoặc nhiều tiền hơn một chút, người ta bắt đầu nghĩ cho những người bên cạnh mình nhiều hơn. Người ta có thể tổ chức một bữa tiệc hoành tráng hơn nhân ngày sinh nhật bạn bè, dẫn ba mẹ đi du lịch những nơi họ từng nhìn ngắm, mua cho thằng em trai một chiếc xe đạp đẹp hơn. Hoặc nhiều hơn nữa thì đổ bê tông con đường lầy trong xóm, giúp vài người cơ nhỡ trên đường. Tiền là để xài chứ để làm gì. Chỉ sợ, kiếm tiền mà dùng không đáng đồng tiền!

Cũng không có một tiêu chuẩn đúng – sai nào cho việc tiêu tiền, nhưng khi bạn dồn tiền cho việc này, bạn sẽ thiếu tiền làm việc khác. Việc bạn đầu tư tiền vào đâu sẽ quyết định bạn trở thành con người như thế nào, sống một cuộc đời ra sao.

Chỉ sợ, kiếm tiền đến nỗi không có thời gian để xài tiền!

Ngoài cái sợ dùng tiền không đáng đồng tiền, người ta còn một nỗi sợ khác đang nói hơn nhiều, đó là kiếm tiền đến nỗi không có thời gian để xài tiền.

Tiền nhà, tiền xăng xe thì dù có hay không có thời gian thì cũng phải biết xài, còn mua được đôi giày, chiếc đồng hồ và chai nước hoa mình thích, còn vác ba lô lên và đi mà không phải vướng bận nhiều thì không phải ai, không phải lúc nào cũng được.

Nhiều người bị cuốn vào cái guồng quay “9-to-5” mà không nỡ bước ra để đi học khóa học mình tâm đắc, dành thêm vài giờ đọc cuốn sách mình thích, hẹn hò với người thương, với những người có gia đình thì lắm lúc ngồi ăn một bữa tối đầy đủ các thành viên trong gia đình hay đưa con đi công viên ngày cuối tuần cũng khó. Đấy là ví dụ rõ ràng nhất cho việc làm ra tiền, mà chẳng có thời gian để xài tiền, hay xa hơn chút nữa là khả năng và ý thức cân bằng giữa công việc – cuộc sống của mỗi người.

Thực tế, người ta vẫn nhận ra tầm quan trọng của sự cân bằng kia, nhưng chắc người ta quên.

Nhiều người tìm việc vẫn thường đặt câu hỏi ở nhà tuyển dụng về nó, đại loại như công ty có hay tổ chức những hoạt động ngoại khóa nào cho nhân viên, ở đây nhân viên có được đi du lịch không,… và những điều trên cũng là một yếu tố quan trọng quyết định họ có lựa chọn công việc đó hay không. Các nhà tuyển dụng do đó mà cũng có một sự đầu tư nhất định để xây dựng một môi trường làm việc giúp nhân viên của mình cân bằng giữa công việc và cuộc sống của họ, góp phần lớn vào những nỗ lực giữ chân nhân tài của mình.

Vậy nên, người trẻ cũng thỉnh thoảng nên tự hỏi mình kiếm tiền nhiều để làm gì, không phải để kiếm thêm hay thôi kiếm nữa, mà là việc đó có mang lại giá trị cho chính mình và cuộc sống xung quanh hay chưa?

Nguồn: HR Insider

Gửi liên hệ
0914004800